(Forbes Việt Nam) Xu hướng tiếp theo của quá trình đô thị hóa là thành phố thông minh, nơi các vấn đề đô thị được giải quyết nhờ công nghệ, tạo nên môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn
Dưới góc nhìn của các nhà phát triển bất động sản và công ty công nghệ, nhà thực hành và nghiên cứu, khái niệm này đang được triển khai trên thực tế như thế nào?
Forbes Việt Nam trao đổi qua email với bà Cindy Lim- giám đốc điều hành Keppel Urban Solutions; ông Joe Ruelle – giám đốc phát triển kinh doanh của Google Cloud tại Việt Nam và các quốc gia mới nổi tại châu Á; TS. Phạm Thanh Long – nhà nghiên cứu tại trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Quốc tế, ĐH College Cork (Ireland); ông Phan Thanh Sơn – giám đốc công nghệ công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS), TS Nguyễn Việt Long – giám đốc văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương.
Forbes Việt Nam: Dưới góc nhìn của nhà phát triển bất động sản và công ty công nghệ, những yêu cầu nào đặt ra cho thành phố thông minh?
Phan Thanh Sơn: Sau khi nghiên cứu hơn 100 định nghĩa về thành phố thông minh (TPTM), tổ chức nghiên cứu tiêu chuẩn công nghệ viễn thông (ITU-T) đưa ra định nghĩa gần thực tiễn nhất trong bối cảnh hiện nay: “Một TPTM bền vững là một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin – truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động – dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”. Tôi cũng cho rằng định nghĩa đó là tổng quát nhất và phù hợp nhất.
Cụ thể hơn, theo Frost & Sullivan, TPTM là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên các công nghệ và giải pháp thông minh với từ 5 – 8 thành phần: công dân thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di động thông minh, cơ sở hạ tầng, công nghệ và điều hành thông minh của chính quyền và giáo dục thông minh.
Cindy Lim: Quá trình đô thị hóa chưa từng có trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, tạo ra áp lực vô cùng lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở, dịch vụ và môi trường để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thế hệ hiện tại và tương lai. TPTM sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường chất lượng của các dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng như năng lượng, tiện ích và giao thông, cũng như phúc lợi cho người dân.
Các nhà phát triển sẽ cần phối hợp chặt chẽ với chính phủ, đồng thời tiếp cận công nghệ và sự đổi mới để kết hợp các tính năng cho công nghệ năng lượng tái tạo, giảm chất thải và sử dụng ánh sáng tự nhiên để cải thiện hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cho gia đình và văn phòng. Bên cạnh những đổi mới về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, các nhà phát triển có thể đóng góp các ý tưởng sản phẩm mới để khiến thành phố trở nên sống động hơn và tạo dựng một cộng đồng sôi động.
Joe Ruelle: Để trả lời câu hỏi này, tôi bắt đầu từ khái niệm trí thông minh, tức là khả năng thu nhận và áp dụng kiến thức và kỹ năng, nhiều hoặc ít để giải quyết vấn đề. Các thành phố ở châu Á đã sử dụng công nghệ để trở nên thông minh hơn kể từ khi thành phố đầu tiên xuất hiện khoảng 5.000 năm trước.
Sự khác biệt lớn giữa những gì đang diễn ra và những gì đã xảy ra trong quá khứ không phải là việc dịch chuyển sang kỹ thuật số. Theo tôi, sự khác biệt thực sự là việc chuyển đổi sang AI (trí tuệ nhân tạo) hoặc học máy (machine learning), tạo nên các hệ thống không chỉ có trí thông minh của con người, mà lần đầu tiên có trí thông minh ở bên trong hệ thống. Chẳng hạn hệ thống học máy không chỉ phản ánh suy nghĩ của các nhà thiết kế, mà còn tự suy nghĩ, tùy thuộc vào cách nó được huấn luyện. Hệ thống như vậy tiếp tục phát triển, có thể vượt quá sự mong đợi hoặc dự đoán của những người thông minh đã thiết kế ra nó. Nhìn chung, đó là một giai đoạn mới của lịch sử.
Trở lại vấn đề TPTM, theo tôi, có những yêu cầu công nghệ chung. Ví dụ như khả năng nhập và xử lý một lượng lớn dữ liệu, khả năng áp dụng học máy và công việc xử lý dữ liệu, tích hợp phần cứng và phần mềm ở cuối mỗi chuỗi. Cả hai đều nhằm mục đích lấy dữ liệu vào và dùng nó để làm được điều gì đó hữu ích. Với số liệu tương đối, chúng ta có thể đánh giá tương đối mức độ phát triển của một thành phố: số lượng dữ liệu trên mỗi cư dân, tốc độ xử lý, khả năng xử lý theo thời gian thực, tỉ lệ phản hồi với một thiết bị được kết nối… Cách phân tích này cũng như giống như khi kiểm tra máu, với lượng cholesterol như vậy, lượng insulin như thế, thì đánh giá tình trạng sức khỏe.
Một lần nữa, nếu chúng ta quên mất ý nghĩa của “thông minh” thì rất dễ bị cuốn vào những con số và mất đi mục tiêu thực sự để làm cho thành phố dễ sống hơn và làm cho cư dân hạnh phúc hơn, ít lo lắng hơn.
Forbes Việt Nam: Ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khái niệm TPTM được giữ nguyên hay có sự điều chỉnh cho phù hợp?
Phan Thanh Sơn: Khái niệm TPTM xuất hiện từ cuối những năm 1990 và có nhiều sự thay đổi, tiến hóa theo thời gian và Việt Nam cũng đi khá sát theo sự phát triển đó về nhận thức. Thời gian đầu, TPTM thường được hiểu là đưa hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, vận hành đô thị. Đến giữa những năm 2000, việc xây dựng TPTM đặt vai trò của “hạ tầng mềm” (xã hội, nguồn lực con người, sự tham gia của người dân/ doanh nghiệp) lên trên vai trò CNTT. Từ 2010 đến nay, TPTM là sự kết hợp giữa hạ tầng cứng (công nghệ CNTT và các tiến bộ công nghệ) và hạ tầng phần mềm, hướng đến việc cung cấp một cách bền vững cuộc sống chất lượng cao cho cư dân và dịch vụ/ môi trường kinh doanh chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.
Nguyễn Việt Long: Có nhiều thách thức được đặt ra khi tiến hành xây dựng TPTM, chẳng hạn như vấn đề huy động và phân phối nguồn lực như thế nào để tránh đầu tư dàn trải. Đôi khi việc đầu tư, duy trì, bảo dưỡng các công nghệ còn tốn kém hơn lợi ích mà nó mang lại. Ngược lại, việc chọn đúng điểm để đầu tư sẽ tạo ra lực bẩy nâng cao đời sống kinh tế – xã hội.
Biết rõ những thách thức đó, nhiều tỉnh, thành phố trên thế giới đang áp dụng thành công một cách tiếp cận bền vững: chú trọng trước hết việc tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần trong địa phương, mà đặc biệt là cơ chế ba nhà, hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và các viện, trường, để phát huy được sức mạnh tập thể và sự sáng tạo của cả cộng đồng, đồng thời tùy vào bức tranh toàn cảnh, bản chất của nền kinh tế – xã hội, thế mạnh của địa phương mà cùng vạch ra các mục tiêu đột phá để triển khai một cách đồng bộ, đặt con người chứ không phải công nghệ là trọng tâm, mang lại lợi ích chung cho các bên. Bình Dương đã hoạch định chiến lược kinh tế – xã hội hướng tới TPTM theo cách tiếp cận này, trên nền tảng nghiên cứu thách thức và cơ hội, tiềm năng của tỉnh để ứng dụng một cách sáng tạo các mô hình quốc tế, mà điển hình ở đây là mô hình ba nhà học tập từ thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan.
TPTM, trong cách tiếp cận của Bình Dương, có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
Forbes Việt Nam: Vậy ở Việt Nam có những nơi nào đang triển khai TPTM?
Phan Thanh Sơn: Từ cuối thập kỷ 1990, Việt Nam có một số dự án về TPTM như công viên phần mềm Quang Trung, công viên công nghệ cao SG (SGTH), khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Giai đoạn 2000 – 2010, các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. HCM… có các khởi xướng, đề xuất về xây dựng TPTM.
Sau năm 2010, làn sóng thứ ba của TPTM lan đến hơn 20 thành phố lớn, nhỏ ở Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương. Có một số thành phố có cách đi đặc biệt như Bình Dương. Có thành phố tiếp cận từ trên xuống với đầu tư bài bản trong bước tư vấn rồi hình thành kiến trúc tổng thể và danh mục các dự án cần thực hiện. Có những thành phố đưa ra chủ trương chung còn các dự án thực hiện từ dưới lên có thể có hay không thiết kế tổng thể, tích hợp tổng thể. Có một số thực hiện theo mô hình lai, tức là cả từ dưới lên và trên xuống. Theo hiểu biết của tôi, các TPTM thành công thường nghiêng về mô hình lai nhiều hơn.
Forbes Việt Nam: Ông Long có thể cho biết thêm về cách đi của Bình Dương?
Nguyễn Việt Long: Bình Dương công bố khởi động đề án TPTM từ 28.3.2016 tại sự kiện Hội nghị TPTM Bình Dương lần 1, kèm sau đó tỉnh ban hành với chương trình chiến lược đột phá kinh tế – xã hội Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030 chỉ ra viễn cảnh chung lấy hợp tác ba nhà, gồm hợp tác giữa nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp, làm nền tảng. Trong đó, chương trình xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết từng chương trình kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng Bình Dương hướng đến TPTM, trở thành khu vực mang tầm quốc tế về khoa học công nghệ và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Bộ tài liệu gồm khoảng 50 hành động cụ thể, chia ra trong bốn lĩnh vực: “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp”, “các yếu tố nền tảng”. Tỉnh cũng đã thành lập các ban hoạt động theo nguyên tắc ba nhà, kết hợp chặt chẽ quốc tế, đặc biệt là Eindhoven, để cùng định hướng và vận hành cho toàn đề án, với sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Tỉnh quy hoạch khu vực gọi là vùng Thông minh Bình Dương, là nơi tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh, trong đó thành phố mới Bình Dương sẽ được xây dựng thành một ví dụ điển hình cho các chiến lược phát triển mới, một “phòng thí nghiệm” đặc biệt để thí điểm, cải tiến và chọn lọc các ý tưởng sáng tạo, để từ đó ứng dụng đồng bộ vào vùng thông minh, hướng tới lan tỏa ra toàn tỉnh Bình Dương và chia sẻ với khu vực.
Về tiêu chí, với sự hỗ trợ của Eindhoven, Bình Dương đã tập trung phát triển để đạt được bộ tiêu chí của diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Ngày 25.10 vừa qua tại Canada, ICF công bố Bình Dương đạt được các tiêu chí để chính thức trở thành thành viên của tổ chức này, và được vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu nhất của thế giới năm 2019.
Forbes Việt Nam: Google đang tham gia vào quá trình xây dựng TPTM như thế nào?
Joe Ruelle: Khi nhắc đến Google Cloud, nơi tôi đang làm việc, và việc xây dựng TPTM, các đối tác của chúng tôi có vai trò quan trọng. Ví dụ, hệ thống 100 ngàn camera đường phố đòi hỏi khả năng tính toán đủ lớn để tiếp nhận các luồng xe từ máy ảnh này và phân tích theo thời gian thực. Trung tâm dữ liệu của Google Cloud, được liên kết với nhau trên khắp thế giới để đảm nhận việc tính toán. Google thường không giải bài toán cụ thể, như cài đặt máy ảnh, kết nối các luồng xe, nghiên cứu luật giao thông của địa phương, thiết kế mô hình học máy cụ thể để xác định các vi phạm cụ thể, mà tất cả điều đó do các đối tác, những người được đào tạo về cách sử dụng Google Cloud, đảm nhận. Nói hình tượng, Google Cloud cung cấp các khối lego, nhưng phải có người lấy những khối nhựa này và xây nhà.
Hiện tại, đội ngũ Google Cloud ở Việt Nam tập trung rất nhiều vào việc đào tạo và chúng tôi đã bắt đầu làm việc với một số đối tác Việt Nam tiềm năng. Một ví dụ là AI Academy, nơi phụ trách chương trình AI tại đại học Quốc gia Việt Nam. Trong những năm tới sẽ có nhiều cá nhân ở Việt Nam tiếp nhận những gì Google Cloud cung cấp và họ sẽ có cách sử dụng phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, có những phần Google cung cấp gọi là “giải pháp bên ngoài chiếc hộp” như Google Máp, Environmental Insights Explorer, công cụ sử dụng dữ liệu bản đồ của Google, dữ liệu vệ tinh và các dữ liệu khác để xác định số lượng xe vào và ra khỏi thành phố mỗi ngày, lượng khí thải carbon tương đương. Nó cũng tính toán diện tích các mái nhà, tòa nhà trong thành phố, kết hợp với dữ liệu về ánh sáng mặt trời để từ đó, có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng sạch.
Forbes Việt Nam: Để đảm bảo tính bền vững của TPTM cần những điều gì?
Cindy Lim: Internet vạn vật (IoT) có vai trò hỗ trợ quan trọng với các thành phố thông minh bền vững trong tương lai vì nó tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người thông qua phân tích và dữ liệu lớn cho các tòa nhà thông minh, đáp ứng nhanh chóng và dễ dàng hơn nhu cầu của cư dân. Ví dụ các tòa nhà thông minh có thể đánh giá và xác định mật độ người ở trong một tòa nhà và nhờ đó, bố trí và vận hành hệ thống làm mát một cách hợp lý. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể giúp các hệ thống trở nên hiệu quả hơn. Thông qua việc cung cấp thông tin thời gian thực, học máy và thuật toán, AI sẽ chuyển đổi cách chúng ta thu thập và phân tích dữ liệu để tác động đến mọi thứ từ giao thông và quản lý đỗ xe đến việc thực thi pháp luật và các dịch vụ thành phố. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để kiểm soát hệ thống đèn giao thông trong thời gian tắc nghẽn. Công nghệ này sẽ cho phép đưa ra các quyết định thông minh hơn, nhờ đó các thành phố thông minh hơn.
Đối với sự phát triển bền vững của một thành phố thông minh, việc xây dựng các hệ thống quản lý trong thành phố phải có sự liên kết. Ví dụ dữ liệu từ các hệ thống quản lý tòa nhà riêng lẻ có thể được kết nối với phần quản lý trung tâm, cho phép thành phố giám sát và thu thập thông tin chi tiết hơn về cách mỗi tòa nhà hoạt động. Thông qua việc tích hợp các chức năng của một tòa nhà, nó có thể giúp thúc đẩy hiệu quả và lợi ích kinh tế cho thành phố.
Hơn nữa, tận dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường, các nhà chức trách, các nhà quy hoạch đô thị và cư dân có thể hình dung được những phát triển trong tương lai và đánh giá tác động của nó đối với môi trường và tính thẩm mỹ chung. Bên cạnh việc triển khai các công nghệ mới trong thành phố, việc xây dựng một thành phố thông minh bền vững cũng liên quan đến việc hình thành hệ sinh thái, trong đó các nhà cung cấp giải pháp đáng tin cậy luôn cố gắng sáng tạo và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của cư dân trong thành phố.
Phan Thanh Sơn: Để xây dựng và phát triển TPTM, theo tôi trước hết lãnh đạo thành phố cần có tầm nhìn, hiểu biết và quyết tâm cao. Hiểu biết ở đây theo nghĩa rộng trong đó có cả hiểu về việc xây dựng TPTM là một chặng đường dài hàng chục năm, chắc chắn dài hơn một nhiệm kỳ lãnh đạo nhưng cần phải có tính kế thừa rất cao.
Câu chuyện TPTM thường được chính quyền đề xướng nhưng để thành công cần có sự phối hợp giữa cả chính quyền, doanh nghiệp, trường/ viện và người dân/cộng đồng. Cần nữa là cần sự tham gia của các công nghệ, các nhà cung cấp công nghệ để tận dụng sự tiến bộ công nghệ (trong đó có CNTT và các công nghệ cao khác) để tối ưu, hiện thực các mục tiêu của TPTM một cách hiệu quả và bền vững nhất. Trong sự phối hợp đó có cả việc huy động nguồn tài chính cho các dự án TPTM trong một chặng đường dài với mô hình win-win-win giữa chính quyền, doanh nghiệp và cư dân. Chúng ta đều hiểu rằng TPTM là một chặng đường chứ không phải đích đến, luôn là một sự đổi mới sáng tạo không ngừng để thành phố được thông minh hơn cho một nền kinh tế, xã hội, con người, doanh nghiệp hạnh phúc hơn, phát triển hơn một cách bền vững.
Forbes Việt Nam: Sự tham gia của người dân vào các chính sách phát triển đô thị thông minh của chính quyền nên được điều phối như thế nào?
Phạm Thanh Long: Là người dùng cuối của các dịch vụ công cộng, các chủ thể tương tác của hệ thống vật lý và máy phát dữ liệu và thông tin, cư dân nên đóng góp ý tưởng cho các quy trình hoạch định chính sách và trở thành người đồng sáng lập các giải pháp thông minh cho thành phố.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào họ cũng được trao quyền để tham gia. Nếu người dân cam kết tham gia, phản hồi kịp thời thì các cơ chế thu thập và phân tích của các bên liên quan sẽ hiệu quả hơn. Khoảng cách giữa sự tham gia của công dân vào tất cả các bước của sáng kiến thành phố thông minh đã được xác định là một trong những thách thức chính trong việc mở rộng thành công các sáng kiến thành phố thông minh tại các thành phố tiên phong. Để đạt được mục tiêu cuối cùng của việc phát triển TPTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì việc phát triển các cơ chế hiệu quả trong thu thập và phân tích phản hồi của các bên liên quan là bắt buộc. Việc này ngày càng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn khi người dân đang sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thông minh trên quy mô chưa từng có.
Nguồn: Forbes Việt Nam