(Lao động) Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo về khung giá đất, dự kiến nhiều nơi bảng giá đất sẽ tăng đột biến. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá đất quá cao sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Dự kiến bảng giá đất tăng đột biến
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá – vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất, đảm bảo phù hợp với thực tế để UBND cấp tỉnh kịp thời xây dựng và công bố bảng giá đất vào ngày 1.1.2020 theo quy định của Luật Đất đai. Dự kiến, bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 – 2024 tại Bình Dương tăng 45 – 95%; giá đất tại một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên tới 5 lần so với bảng giá cũ…
Riêng tại Hà Nội, UBND TP.Hà Nội mới đây đã có đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2024. Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1.1.2015 đến 31.12.2019 là 162 triệu đồng/m2).
Còn tại TPHCM, theo bảng giá đất hiện nay, 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Q1) có mức giá đất ở cao nhất là 162 triệu đồng/m2 (bằng mức giá đất tối đa của khung giá đất). Theo tờ trình, mức tăng giá dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khung giá đất cũ.
Giá bất động sản sẽ tăng
Với mức tăng giá dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khung giá đất cũ tại TPHCM, trao đổi với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM – nhận định, bảng giá đất tại TPHCM tăng quá cao, không phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
“Điều này có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng thị trường ngầm. Với việc này, Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội” – ông Châu nói.
Nhìn nhận việc điều điều chỉnh giá đất của Hà Nội dự kiến tăng 30%, ông Đặng Văn Quang – Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam, công ty chuyên nghiên cứu khảo sát thị trường bất động sản) – nói rằng, với sự điều chỉnh này, nhiều người có suy nghĩ rằng khung giá đất tăng kéo theo giá bất động sản nhiều nơi sẽ tăng, nhất là phân khúc đất nền. Thêm nữa, khi giá đất tăng, giải phóng mặt bằng tăng, chi phí thu hồi đất, tạo quỹ đất cho các dự án bất động sản tăng sẽ làm chi phí tăng.
“Tuy nhiên, mức tăng này đều chia đều cho toàn bộ dự án thì chi phí tăng sẽ không hề lớn” – ông Quang phân tích. Theo ông Quang, việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bất động sản. Và nếu giá có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do điều chỉnh giá đất.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long đồng tình với việc tăng giá đất khi cho rằng, giá đất của Nhà nước hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường, điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khi giá đền bù quá chênh lệch với giá thị trường. Điều đó khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Vì thế, khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, mặt bằng luôn là một trong những điểm nghẽn khiến các công trình chậm tiến độ.
THÔNG CHÍ
Nguồn: Lao động