Tháp nhu cầu Maslow là mô hình nổi tiếng về tâm lý và động cơ của con người, được áp dụng rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau như quản trị kinh doanh, Marketing, giáo dục, học tập và trong cả cuộc sống, …
Được đặt theo tên của nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908 – 1970) trong bài viết A Theory of Human Motivation (1943), kim tự tháp này là một trong những công cụ hỗ trợ cho những người làm Marketing trong việc nghiên cứu và ứng dụng hành vi của người tiêu dùng.
Nhu cầu của con người là đa dạng và vô hạn, trong khi đó hành vi của chúng ta được thúc đẩy dựa vào những nhu cầu hành vi nhất định. Tuy vậy, trong rất nhiều mong muốn của con người, Maslow đã tìm ra được những điểm chung để cho ra đời tháp nhu cầu này. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm trong bài viết sau nhé.
1. THÁP NHU CẦU MASLOW LÀ GÌ?
Tháp nhu cầu của Maslow (Maslow’s hierachy of needs) là kim tự tháp gồm 5 tầng thể hiện nhu cầu tự nhiên cửa con người, phát triển từ nhu cầu cơ bản đến nhu cầu cao hơn. Theo đó, nhu cầu của con người sẽ đi từ đáy tháp lên đến đỉnh tháp, khi nhu cầu ở dưới được đáp ứng đầy đủ, thì con người dần chuyển sang nhu cầu mới có cấp bậc cao hơn. Ngoài ra, 5 cấp bậc này được phân chia thành 3 nhóm rõ ràng:
– Nhóm 1 bao gồm nhu cầu sinh lý và nhu câu an toàn: đây lá nhóm nhu cầu nhằm đảm bảo con người có thể tồn tài được.
– Nhóm 2 gồm nhu cầu nâng cao mối quan hệ và nhu cầu được kính trọng: Khi con người có thể đáp ứng được các nhu cầu tồn tại của mình, họ sẽ mong muốn mở rộng thêm mối quan hệ của mình, trở thành một cộng đồng. Sau một thời gian, họ bắt đầu có nhu cầu trở thành người đứng đầu để nhận được sự kính trọng.
– Nhóm 3 là nhu cầu thể hiện bản thân: Khi các nhu cầu bên dưới đã được đáp ứng, con người bắt đầu muốn thể hiện mình.
2. CÁC CẤP BẬC TRONG THÁP NHU CẦU MASLOW
5 cấp bậc trong tháp nhu cầu Maslow được phát triển từ dưới lên trên, từ các nhu cầu cơ bản (Basic Needs) đến nhu cầu phát triển, thể hiện bản thân con người (Meta Needs).
a. Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): Tôi muốn được sống, hít thở, ăn uống, ngủ
Nhu cầu sinh lý là nhu cầu cơ bản nhất của con người, nằm ở dưới đáy kim tự tháp. Đây là những yêu cầu về sinh lý, thể chất, đòi hỏi để cho sự sống của con người được tiếp diễn. Những yếu tố, thành phần như thực phẩm, nước, không khí, nghỉ ngơi, ngủ, … nằm trong danh mục nhu cầu này. Vì vậy, các nhu cầu sinh lý được cho là quan trọng nhất, chúng luôn cần được đáp ứng đầu tiên. Ngoài ra theo Maslow, tình dục cũng được cho là nằm trong nhu cầu sinh lý, do yếu tố này đảm bảo cho sự tồn tại và duy trì nòi giống của loài người.
Chúng ta không thể nào tiếp tục làm việc, mong đợi sự ổn định hay có nhu cầu thăng tiến nếu thu nhập quá thấp, không đủ để trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ăn, uống, tiền thuê nhà, …
Ngược lại cũng vậy, nếu chúng ta không ăn uống đầy đủ, luôn trong tình trạng đói, khát, lo lắng, … chúng ta sẽ không tập trung vào công việc được, hiệu quả giảm sút, kết quả sẽ không được như mong đợi.
b. Nhu cầu được an toàn (Safety Needs): Tôi muốn cảm giác an toàn và ổn định
Khi nhu cầu sinh lý được thoả mãn, con người sẽ hướng đến nhu cầu tiếp theo là sự an toàn, lúc này các yêu cầu dần trở nên phức tạp hơn. Các nhu cầu được bảo vệ, được cảm thấy an toàn bao gồm:
– An toàn về thể chất, sức khoẻ
– An toàn về tình hình tài chính
– An toàn trong gia đình …
Các công ty doanh nghiệp hiện nay đều đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho nhân viên, cung cấp môi trường làm việc tốt, trang thiết bị an toàn, …
Khi nhu cầu về sinh lý chưa đáp ứng, con người chỉ mong muốn có thực phẩm để ăn uống. Tuy vậy, khi có điều kiện một chút, họ sẽ có xu hướng quan tâm đến sức khoẻ hơn, sẵn sàng gia tăng chi tiêu để chọn lựa những nhà hàng ngon, sạch sẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
c. Nhu cầu các mối quan hệ, tình cảm (Love/Belonging Needs): Tôi muốn yêu và được yêu, được tham gia cộng đồng
Sau khi đáp ứng được các nhu cầu về sinh lý và an toàn, con người sẽ tập trung sự chú ý vào nhu cầu các mối quan hệ, nhu cầu tình cảm. Theo tháp nhu cầu Maslow, con người luôn muốn được hoà nhập vào một cộng đồng, muốn có gia đình hạnh phúc, bạn bè gần gũi, thân thiết. Họ luôn cần yêu và được yêu, nếu không, con người sẽ cảm thấy cô đơn, trầm cảm hoặc lo lắng.
Các công ty thường hay tổ chức những buổi du lịch, đi chơi xa, team-building, … để giúp các nhân viên có thể hoà nhập với nhau, xây dựng một cộng đồng văn hoá gắn kết.
Ở môi trường giáo dục cũng tương tự, các bạn sinh viên ngoài thời gian học tập và bên cạnh gia đình, họ thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm để hoà nhập với cộng đồng, trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, … cũng như mở rộng mối quan hệ.
d. Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs): Tôi muốn là người có ích và được tôn trọng
Tương tự như nhu cầu được sự yêu thương, con người chúng ta cũng cần có nhu cầu nhận được sự tôn trọng. Đây là cấp độ thứ 4 trong mô hình kim tự tháp Maslow, nhu cầu về lòng tự trọng đóng vai trò nổi bật hơn trong việc thúc đẩy hành vi, được thực hiện thông qua cảm giác tự trọng, sự tôn trọng của người khác, mức độ tin tưởng và thành công của một người … Nhu cầu được tôn trọng trong tháp nhu cầu Maslow được chia làm 2 loại:
Mong muốn nhận được sự tôn trọng từ người khác: thể hiện thông qua qua danh tiếng, địa vị, vị trí đạt được trong xã hội hoặc trong một tổ chức, cộng đồng.
Tự trọng đối với bản thân: đây là yếu tố quan trọng trong việc tự phát triển bản thân. Không có lòng tự trọng, một người dễ dẫn đến mặc cảm, thường xuyên cảm thấy lo lắng trước những khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi hoà nhập được với cộng đồng, con người bắt đầu muốn trở thành 1 người có tiếng nói trong nhóm đó, muốn được mọi người coi trọng. Khi đó nhu cầu cần được tôn trọng xảy ra, họ bắt đầu nỗ lực, cố gắng hoàn thành công việc, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, … Một thời gian sau, khi bạn được lên chức, lên vị trí cao hơn trong cộng đồng, lúc này nhu cầu được tôn trọng đã được đáp ứng.
e. Nhu cầu thể hiện bản thân (Self – Actualization Needs): Tôi muốn được làm việc mình thích
Sau khi 4 nhu cầu trên được đáp ứng, con người sẽ xuất hiện nhu cầu cao nhất trong tháp Maslow. Họ muốn được thể hiện bản thân, muốn được mọi người, xã hội ghi nhận.
Thông thường, nhu cầu này xuất hiện ở những người thành công, họ tiếp tục phát huy những kiến thức, kinh nghiệm, trí tuệ, kỹ năng của mình để cho những người khác được nhìn thấy, công nhận. Hầu hết lúc này, con người làm việc để thoả mãn niềm đam mê, tìm ra giá trị thật trong cuộc sống của mình. Vì vậy, khi nhu cầu này chưa được đáp ứng, con người sẽ cảm thấy hối tiếc vì những đam mê của mình chưa được thực hiện.
Ví dụ: Những người đang có địa vị cao, danh tiếng và thu nhập hấp dẫn, nhưng sẵn sàng bỏ tất cả để thực hiện những công việc họ thích, đam mê.
Tuy vậy, có một số người, dù chưa có công việc ổn định, thu nhập tốt, nhưng họ cũng đi tìm đúng giá trị thật của mình, mong muốn cống hiến thứ gì đó cho cộng đồng, môi trường, …
3. NHỮNG ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA THÁP NHU CẦU
ƯU ĐIỂM:
Dễ hiểu, liên quan mật thiết đến đặc điểm cơ bản nhất của con người, có thể áp dụng được cho mọi đối tượng, mọi môi trường, từ trẻ em đến người lớn, từ giáo dục cho đến doanh nghiệp
NHƯỢC ĐIỂM:
Mỗi người là 1 cá thể, không ai cùng suy nghĩ giống nhau, dẫn đến mức độ ảnh hưởng từng nhu cầu lên từng con người là khác nhau. Mức độ càng khác biệt khi so sánh 2 nền văn hoá, quốc gia khác nhau.
Khó đo lường chính xác được nhu cầu
4. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG THÁP NHU CẦU
a. Không nhất thiết phải áp dụng rập khuôn lý thuyết của tháp nhu cầu Maslow
Theo Maslow, nhu cầu con người phát triển từ dưới lên trên, từ thấp lên cao theo tháp nhu cầu. Tuy vậy cũng theo ông, thứ tự các nhu cầu này không cứng nhắc mà có thể thay đổi thứ tự linh hoạt tuỳ vào mỗi người và hoàn cảnh, … Chỉ duy nhất nhu cầu sinh lý sẽ luôn là nhu cầu cơ bản nhất cần được đáp ứng đầu tiên.
b. Nhu cầu có thể bị gián đoạn, không phải lúc nào cũng phải tăng
Hầu như nhu cầu con người đều tăng cấp độ lên khi đạt được nhu cầu ở tầng dưới. Tuy nhiên không phải lúc nào quy trình cũng có thể thực hiện đúng như vậy, bởi vì nhu cầu con người luôn thay đổi, có thể bị gián đoạn bởi các yếu tố bên ngoài, gặp phải biến cố trong cuộc sống, … Sau tác nhân gây gián đoạn ấy thì trình tự sẽ được thiết lập lại, thay vì tăng lên.
Ví dụ: Sau khi mất công việc, nợ nần, ly hôn, tai nạn, … thông thường tâm lý con người sẽ bị bất ổn trong một thời gian, lúc này nhu cầu cũng sẽ bị gián đoạn theo.
c. Nhu cầu cũ không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ thì mới xuất hiện nhu cầu mới
Maslow đã từng đề cập rằng, nhu cầu cũ không nhất thiết phải đáp ứng 100% thì mới xuất hiện nhu cầu mới. Theo đó, chỉ cần thoả mãn nhu cầu ở một mức độ nhất định thì nhu cầu mới có thể đã xuất hiện.
5. THÁP NHU CẦU MASLOW MỞ RỘNG
Sau tháp nhu cầu Maslow 5 tầng được công bố, năm 1970 Maslow đã bổ sung, nâng cấp tháp nhu cầu mới. Ngoài 5 cấp bậc ở trên, ông đã thêm 3 nhu cầu sau:
Nhu cầu nhận thức (Cognitive Needs): kiến thức và sự hiểu biết, tò mò, khám phá và khả năng dự đoán
Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic Needs): trân trọng và tìm kiếm vẻ đẹp, sự cân đối, hình dáng, …
Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Transcendence): con người được thúc đẩy bởi những giá trị vượt ngoài cái “tôi” cá nhân. Ví dụ, các trải nghiệm thần bí, thiên nhiên, thẩm mỹ, tình dục, được phục vụ người khác, theo đuổi khoa học, đức tin, tôn giáo, …
Như vậy, tháp nhu cầu của Maslow được mở rộng sẽ có thứ tự như sau:
Nhu cầu sinh lý
Nhu cầu an toàn
Nhu cầu xã hội
Nhu cầu được tôn trọng
Nhu cầu nhận thức
Nhu cầu thẩm mỹ
Nhu cầu được thể hiện bản thân
Nhu cầu về tự tôn bản ngã
TỔNG KẾT:
Theo tháp nhu cầu của Maslow con người được thúc đẩy bởi các nhu cầu, các nhu cầu được sắp xếp theo từng bậc, trong đó các nhu cầu cơ bản hơn phải được đáp ứng trước các nhu cầu cao hơn. Cụ thể, nhu cầu con người sẽ đi từ dưới tháp lên trên cao.
Thứ tự các nhu cầu không cứng nhắt mà có thể linh hoạt dựa vào hoàn cảnh bên ngoài, hoàn cảnh môi trường hoặc sự khác biệt của từng cá nhân (văn hoá, vùng miền, …)
Hầu hết các hành vi của con người sẽ có nhiều mục đích khác nhau. Như vậy, một hành động có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu cơ bản khác nhau
Nguồn: Sưu tầm